Cổ phiếu ngành công nghệ đang trở thành tâm điểm của sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Trong năm 2024, triển vọng của ngành rất lạc quan, với sự tăng trưởng của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, đám mây, big data, và các ứng dụng mới như thực tế ảo và thực tế tăng cường. Tiến trình chuyển đổi số và xu hướng AI đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ CNTT, đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến Cloud; Doanh nghiệp IT trong nước có lợi thế chi phí thấp và đa dạng sản phẩm.
Đặc điểm cổ phiếu công nghệ
Cổ phiếu công nghệ là những cổ phiếu được phát hành bởi các công ty tham gia bán các sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên công nghệ. Cổ phiếu công nghệ bao gồm các cổ phiếu thuộc các ngành công nghệ cũ như viễn thông, máy tính cá nhân, cho đến các cổ phiếu thuộc ngành công nghệ mới như dịch vụ internet dựa trên phần mềm và mạng xã hội trực tuyến, các công ty sản xuất thiết bị công nghệ như bộ định tuyến, bộ xử lý máy tính, bán linh kiện cho sản phẩm công nghệ.
Tăng trưởng nhanh chóng: Mục tiêu của những công ty công nghệ luôn là phát triển nhanh chóng với doanh số bán hàng và lợi nhuận tăng vọt.
Đổi mới nhanh chóng: Các công ty công nghệ thường xuyên phải đổi mới để duy trì sự hấp dẫn và tính cạnh tranh trên thị trường.
Lợi nhuận tăng nhanh: Mặc dù có thể có mức đầu tư lớn ban đầu, nhưng nếu thành công, cổ phiếu công nghệ thường có khả năng sinh lời lớn và nhanh chóng.
Khả năng chấp nhận rủi ro: Công ty công nghệ thường phải đối mặt với mức độ rủi ro cao, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển và khi thị trường biến động. Vì vậy cổ phiếu công nghệ cũng có rủi ro cao.
Thu hút lượng lớn tài trợ đầu tư: Nhất là đối với những công ty kỳ lân trong ngành công nghệ, nhận được rất nhiều sự đầu tư từ nhiều nguồn, họ kỳ vọng các công ty công nghệ này sẽ phát triển vượt trội trong tương lai.
Điều chỉnh linh hoạt: Đã là công ty về công nghệ thì cần phải nhạy bén với thị trường, cập nhật nhanh chóng các công nghệ hiện đại và sửa chữa các lỗi kỹ thuật nhanh chóng để thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và công nghệ.
Tiềm năng đầu tư cổ phiếu công nghệ 2024
Những cổ phiếu công nghệ tiềm năng cho năm 2024, đáng để đầu tư ở hiện tại và tương lai là cổ phiếu của những công ty nằm trong các lĩnh vực như SaaS (dịch vụ phần mềm), Fintech, mạng xã hội trực tuyến (social networking), IoT (internet of things), ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), E-commerce (thương mại điện tử), truyền hình trực tuyến (connected TV), Digital advertising, dịch vụ đám mây (cloud computing), chất bán dẫn (semiconductors).
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2025 theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, tỷ trọng kinh tế số sẽ đạt khoảng 20% GDP. Trên bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia có năng lực đổi mới sáng tạo, vượt mặt cả những cái tên như Indonesia, Philippines, xếp chung với Thái Lan, Ấn Độ và Mã Lai. Về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia được khảo sát, theo báo cáo của GCI và ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế).
Theo Gartner, chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu năm 2024 tăng trưởng ở mức 8%, đạt 5.1 nghìn tỷ Đô-la Mỹ, đầu tư chủ yếu vào công nghệ đám mây (Cloud), bảo mật thông tin, AI và lĩnh vực tự động hoá. Cũng theo dự đoán của Gartner, lĩnh vực phần mềm có thể tăng trưởng 13.8%, còn dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng khoảng 10.4%.
Tiềm năng phát triển của Trung tâm dữ liệu và đám mây ở Việt Nam là rất lớn, còn nhiều dư địa tăng trưởng. Chính phủ nước ta cũng đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng trong khu vực.
Tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, dân số trẻ có hiểu biết về kỹ thuật số tốt, luật nội địa hoá dữ liệu cũng có nhiều thay đổi tích cực.
Trong năm 2024, mặc dù triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn chưa rõ ràng và vẫn có khả năng xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, với tư cách là nhà quản lý danh mục đầu tư theo ngành và đặc biệt là nhóm công nghệ, 3Pcapital đang tập trung vào triển vọng nhóm công nghệ trong dài hạn để nắm bắt những cơ hội đầu tư ở những thời điểm khởi đầu của một quá trình tăng trưởng trong dài hạn.
Theo quan điểm của chúng tôi, các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái, duy trì mức tăng trưởng hai chữ số khi các khách hàng của họ vẫn cam kết đối với tiến trình Chuyển đổi số (DX) để nâng cao hiệu suất hoạt động và cải thiện biên lợi nhuận. Tương tự, các dịch vụ viễn thông dành cho doanh nghiệp B2B như Trung tâm dữ liệu và Cloud, vốn rất quan trọng cho hành trình DX của các doanh nghiệp, sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số bền vững trong vài năm tới. Mặt khác, dịch vụ băng thông rộng và đầu tư cho phần cứng dự báo sẽ trì trệ khi chúng dễ bị tổn thương trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Những doanh nghiệp công nghệ tiềm năng cho năm 2024
Công ty Cổ phần FPT (HSX – Mã chứng khoán: FPT)
Tập đoàn FPT (thành lập năm 1988) giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Hiện nay, FPT hoạt động trong 3 lĩnh vực chủ yếu là công nghệ, viễn thông và giáo dục. Tính tới thời điểm hiện tại, tập đoàn FPT đã phát hành trên 100 giải pháp phần mềm bản quyền, được nhiều cá nhân và doanh nghiệp tin dùng.
FPT là doanh nghiệp nổi bật nhất của ngành công nghệ thông tin, đặc biết trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số, hiện công ty cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng Trung tâm dữ liệu.
Doanh thu của FPT trong năm 2023 đạt 52,618 tỷ đồng – tăng 19.6% svck năm ngoái, lãi ròng 9,203 tỷ đồng – tăng 20.1% svck năm 2022. Đây được xem là mức doanh thu cùng lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động đến nay của FPT. Trong đó, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 24,228 tỷ đồng, tăng 28.4% so với năm ngoái, nguyên do là các thị trường như Nhật Bản, Châu Á Thái Bình Dương đều tăng trưởng mạnh mẽ. Những dự án ký mới đem lại cho FPT một nguồn doanh thu với giá trị 29,777 tỷ đồng. FPT đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024 – 20230 thì mảng công nghệ thông tin nước ngoài có thể đạt đến 5 tỷ Đô-la Mỹ.
Chưa kể đến việc khi toàn cầu thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI thì FPT cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi 2 mảng này đang chiếm hơn 40% doanh thu của công ty. Thêm vào đó, FPT còn là nơi đào tạo của một nguồn lao động khổng lồ trong lĩnh vực tự động hoá ngành ô tô, dịch vụ điện toán đám may, chuyên gia ngành bán dẫn… Mảng doanh thu đến từ giáo dục cũng là một phần bổ trợ do doanh thu của FPT, và nâng cao vị thế thương hiệu này hơn.
Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (UPCOM – Mã chứng khoán: VGI)
Theo kết quả kinh doanh vừa được công bố của VGI thì quý IV/2023, công ty đã tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ năm trước đó, với lợi nhuận trước thuế là 1,297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng, biên lợi nhuận 55%, cao hơn so với năm ngoái 43%. Hầu hết tất cả các thị trường đều tăng trưởng ở cả mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 25%. Hiện tại, Viettel đang đứng số 1 tại 6 thị trường nước ngoài bao gồm Mozambique, Haiti, Myanmar, Đông Timor và Campuchia..
Kết thúc năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VGI là 28,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3,600 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất năm 2023 của VGI ở ngưỡng 53,000 tỷ đồng, tăng hơn 2,000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Viettel cho biết doanh thu tại nước ngoài của tập đoàn vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong 7 năm liên tiếp, ở mức 20.5%. Thị phần viễn thông di động của Viettel tại Việt Nam cũng đứng đầu toàn ngành, vượt qua cả Mobifone và VinaPhone.
Công ty CP Công nghệ – Viễn Thông Elcom (HOSE – Mã chứng khoán: ELC)
Tiền thân làCông ty TNHH Đầu tư phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông. Năm 2003, ELCOM chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ELCOM JSC.) với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập. Đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, ELC đã trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam với vốn điều lệ đã tăng lên hơn 80 lần lên 822.290 tỷ đồng.
Elcom là một trong những công ty công nghệ đầu tiên tại Việt Nam với sản phẩm là các phần mềm, tích hợp hệ thống cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các dịch vụ kỹ thuật cho ngành viễn thông, an ninh quốc phòng và giao thông vận tải. Elcom là một trong những nhà cung cấp máy móc thiết bị hàng đầu cho các nhà mạng viễn thông, các dự án đầu tư công của Bộ giao thông vận tải, Bộ quốc phòng…
Năm 2023, trước làn sóng chuyển đổi số và AI, Elcom đang hưởng lợi từ việc đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân. Mảng kinh doanh cốt lõi giao thông thông minh (ITS cao tốc, ITS nội đô, camera giao thông) duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trong khi các mảng khác như viễn thông, chuyển đổi số giữ được sự ổn định. Theo các chuyên gia, mảng giao thông thông minh trong các năm tới sẽ được Chính phủ tiếp tục thúc đẩy phát triển, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công.
ELC vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 980 tỷ đồng, tăng trưởng 14% svck năm ngoái, lãi ròng đạt 77 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022. Chỉ tính riêng trong quý IV/2023, doanh thu thuần của ELC đã đạt 523 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa doanh thu thuần của cả năm. Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhưng ELC vẫn báo lãi 39 tỷ đồng, gấp 28 lần so với năm ngoái.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE – Mã chứng khoán: CMG)
CMG là một trong những cổ phiếu tăng trưởng bền vững qua nhiều năm, với tỷ lệ chia cổ tức rất đều đặn. Điều này có được nhờ nền tảng kinh doanh của Tập đoàn Công nghệ CMC ổn định với mức tăng trưởng tốt và duy trì liên tục trong nhiều năm liền.
CMG là đơn vị đã và đang tiên phong xây dựng nhiều thành tựu lớn trong công cuộc tiếp sức các doanh nghiệp khác chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp thuộc ngành tài chính, ngân hàng, bán lẻ, phân phối, logistic và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác.
Bên cạnh đó, CMG cũng là đơn vị được đánh giá là chuyên gia tư vấn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số, điện toán đám mây và bảo mật tại thị trường Việt Nam, được kỳ vọng trở thành nhà cung cấp chuyển đổi số và điện toán đám mây hàng đầu tại nước ta.
Niên độ 2023-24, CMC Corp đặt mục tiêu đầy tham vọng với kế hoạch doanh thu thuần 9.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 428 tỷ đồng, đều tăng so với kết quả thực hiện niên độ trước. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn sẽ tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận. Kỳ vọng này là có cơ sở khi lãi ròng 9 tháng đầu niên độ đã đạt 330 tỷ đồng, tăng 8% và hoàn thành 77% kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2023-2025, CMC Corp đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu tỷ USD. Tập đoàn theo đuổi định hướng là nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, góp phần định hình thị trường dịch vụ điện toán đám mây và SaaS và nằm trong top đầu thị trường An ninh mạng. Tại thị trường quốc tế, CMC Corp hướng tới vị thế nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu tại châu Á và xa hơn là mở rộng sang các nước khác ở Mỹ, châu Âu.
1 Comment
[…] Những cổ phiếu công nghệ đáng chú ý nhất 2024 […]